Cách cài macOS 15 Sequoia trên phân vùng khác của máy Mac
Nội dung bài viết
Nếu bạn muốn trải nghiệm các tính năng mới của macOS 15 Sequoia mà không muốn ảnh hưởng đến công việc hiện tại, thì có thể cài nó trên một phân vùng khác mà không làm ảnh hưởng đến phiên bản macOS hiện tại.
Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn bạn cách tạo phân vùng riêng trên máy Mac để cài đặt macOS 15 Sequoia beta. Cách này vừa có thể giúp bạn kiểm tra xem các ứng dụng bạn hay dùng trong công việc hàng ngày có tương thích với hệ điều hành mới hay không và trải nghiệm tính năng mới mà không cần cập nhật trên phân vùng chính của hệ thống.
Tạo phân vùng mới cho macOS Sequoia
Đầu tiên, các bạn cần tạo một phân vùng mới trên máy Mac của bạn như sau:
- Mở Disk Utility và chọn ổ đĩa nằm bên dưới dòng Internal ở cột bên trái.
- Click vào nút dấu cộng chỗ Volume hoặc vào menu Edit > Add APFS Volume.
- Đặt tên cho phân vùng mới này, mình sẽ đặt là Sequoia.
- Ở ô Format, chọn APFS.
- Click vào nút Add để thêm phân vùng.
Cài macOS Sequoia trên phân vùng mới
Để cài được macOS Sequoia thì trước tiên bạn phải có bộ cài của nó (khoảng 13 GB). Bạn có thể tải bộ cài từ Apple trong bài viết Cách tạo USB cài đặt macOS 15 Sequoia có thể khởi động của mình.
Sau khi tải bộ cài xong thì click hai lần vào file InstallAssistant.pkg đã tải về để cài trình cài đặt macOS Sequoia. Đến khi bạn thấy trình cài đặt macOS 15 trong Launchpad hoặc thư mục Applications là được.
Tiếp tục làm theo các bước bên dưới đây:
- Click vào file trình cài đặt macOS Sequoia từ Launchpad hoặc thư mục Applications.
- Click Continue > Agree.
- Bạn sẽ thấy tất cả ổ đĩa đang có trên máy Mac. Nếu không, click vào nút Show All Disks.
Chọn ổ đĩa mà bạn đã tạo trước đó và click Continue. Lưu ý không chọn ổ đang cài macOS hiện tại của bạn. - Chọn tài khoản người dùng và click Install. Lưu ý rằng bạn chỉ có thể chọn tài khoản quản trị viên bước này.
- Nhập mật khẩu nếu được hỏi.
- macOS sẽ bắt đầu quá trình cài đặt. Lúc này, bạn có thể làm các việc nhẹ nhàng trên máy như lướt web, tránh làm các tác vụ nặng để tránh lỗi.
- Click nút Restart để khởi động lại máy trong trường hợp nó không tự khởi động.
- Cuối cùng, sau khi khởi động lại thì máy Mac của bạn sẽ hiển thị màn hình Set up giống như khi bạn mới mua máy. Làm theo các bước trên màn hình là xong.
Cách khởi động vào macOS Sequoia hoặc macOS Sonoma
Bây giờ bạn đang có hai phiên bản macOS trên máy Mac, một cái là macOS hiện tại (Sonoma) và một cái là macOS Sequoia mới cài xong. Vậy làm sao để khởi động vào một trong hai phiên bản này?
Đối với máy Mac chip Apple silicon
- Click vào logo Apple > Shut down. Đợi khoảng 30 giây để máy tắt hẳn.
- Nhấn giữ nút nguồn cho đến khi bạn thấy dòng “Loading startup options” xuất hiện.
- Chọn phân vùng chứa macOS hiện tại hoặc phân vùng macOS Sequoia và nhấn phím return trên bàn phím. Sau đó máy Mac sẽ khởi động vào hệ điều hành bạn chọn.
Đối với máy Mac chip Intel
- Click vào logo Apple > Shut down. Đợi khoảng 30 giây để máy tắt hẳn.
- Nhấn nút nguồn để mở máy sau đó nhanh tay nhấn giữ phím Option (⌥) cho đến khi bạn thấy giao diện chọn ổ đĩa xuất hiện.
- Chọn phân vùng bạn muốn khởi động và nhấn phím return trên bàn phím.
Chọn ổ đĩa khởi động mặc định
Nếu bạn không muốn phải chọn ổ địa thủ công mỗi khi máy khởi động thì bạn có thể chọn ổ đĩa khởi động mặc định như sau:
- Mở System Settings > General > Startup Disk.
- Chọn ổ đĩa muốn làm mặc định, nhập mật khẩu quản trị viên của ổ đĩa đó để mở khóa và click nút Restart…
Từ giờ trở đi, khi bạn nhấn nút nguồn, máy Mac của bạn sẽ tự khởi động vào ổ đĩa mà bạn đã chọn, không cần nhấn giữ nút nào nữa.
Nếu màn hình macOS Recovery xuất hiện
Trong một số trường hợp, máy Mac sẽ hiển thị màn hình macOS Recovery nếu nó không thể quyết định nên khởi động vào ổ đĩa nào.
Lúc này bạn chỉ cần click vào logo Apple ở góc trên cùng bên trái và chọn Restart… Lần này, máy Mac của bạn sẽ khởi động vào một trong các ổ đĩa (macOS Sonoma hoặc macOS Sequoia).
Nếu màn hình macOS Recovery không xuất hiện, hãy click vào logo Apple một lần nữa và chọn Startup Disk… Sau đó chọn một ổ đĩa và khởi động vào ổ đĩa đó.
Và trong một số trường hợp hiếm gặp, bạn liên tục nhìn thấy màn hình macOS Recovery, nghĩa là có lỗi trong quá trình cài đặt. Làm theo các hướng dẫn trên màn hình để cài đặt lại macOS.
Theo iDB